Nỗi sợ khi giao dịch– Đó là một kiểu tâm lý vô cùng tồi tệ. Nếu không loại bỏ được trạng thái tâm lý này, trader sẽ khó có thể đạt được thành công khi trading.
Và để làm được điều này, trader cần hiểu được bản thân đang sợ điều gì. Hiểu đúng thì sẽ đối diện để giải quyết, thay vì cứ mãi mơ hồ trong những nỗi sợ không tên để rồi mất tiền đầu tư mà không mang lại hiệu quả gì.
Nỗi sợ khi giao dịch gồm những gì?
Tâm lý sợ hãi khi giao dịch thường xuất hiện ở các nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Với trader chuyên nghiệp, họ biết rõ những mặt tốt và mặt xấu của thị trường, từ đó cũng tạo tâm lý đầu tư vững vàng hơn. Họ vẫn sợ, nó như một kiểu phản xạ tự nhiên của cơ thể, tuy nhiên họ biết cách chế ngự nó và đảm bảo được kết quả đầu tư của mình.
Bạn mới tham gia thị trường? Bạn hãy xem có phải mình đang lo sợ những vấn đề dưới đây không:
Sợ thua lỗ
Bắt đầu bỏ vốn vào trading cũng không có gì khác biệt so với việc chúng ta mở công ty đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, bạn có thể hình dung việc giao dịch cũng khắc nghiệt như khi bạn đứng trên thương trường. Và điều này cũng có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể bị thua lỗ.
Sợ thua lỗ là tâm lý chung của nhiều trader mới. Họ sợ hãi khi nhìn thấy thị trường biến đổi liên tục và thậm chí không dám vào lệnh vì lo ngại thua lỗ. Nhiều người phân tích liên tục nhưng cuối cùng lại không đủ can đảm tiếp tục cuộc chơi của mình. Và về lâu dài, họ sẽ không có đủ niềm tin để bước vào thị trường vì lo ngại số tiền vốn của mình sẽ bay sạch.
Sợ thua lỗ sẽ dẫn đến thua lỗ thật sự. Vì tâm lý này, nhiều nhà đầu tư đã có những hành vi khá đáng tiếc:
- Đặt dừng lỗ quá gần vì sợ không dám mất nhiều vốn, cũng đồng nghĩa thắt chặt cơ hội lợi nhuận cao.
- Liên tục coi ngó và dời điểm dừng lỗ về điểm hòa vốn quá sớm ngay khi chỉ mới có chút lợi nhuận. Nếu thị trường chuyển động theo hướng có lợi, có phải bạn đã đánh mất một khoản lợi nhuận tiềm năng không?
- Tự đóng lệnh, chấp nhận lỗ ít ngay cả khi giá chưa di chuyển đến điểm dừng lỗ, sau đó chắc chắn bạn sẽ tiếc nuối nhìn giá chạy đi.
Sợ bỏ qua cơ hội
Sợ bỏ qua cơ hội chính là hiệu ứng FOMO trong trading. Nỗi sợ này nguy hiểm hơn bạn hình dung rất nhiều. Vì khi sợ bỏ lỡ cơ hội ngon ăn, bạn sẽ bị dẫn dụ tham gia thị trường bằng mọi giá.
Khi thấy nhiều nhà đầu tư khác ào ào đặt lệnh, trader cũng sẽ phát sinh lo lắng nếu mình không nhanh chóng sẽ mất cơ hội ngon ăn đó. Bạn cảm thấy vô cùng hứng thú và phấn khích, cảm thấy phải tham gia thị trường bằng mọi giá.
Chính vì tâm lý này, trader sẽ dễ rơi vào các tình trạng như giao dịch quá nhiều, mạo hiểm với các tín hiệu giao dịch không quá rõ ràng. Đặc biệt là các nhà đầu tư ở thị trường ngoại hối và tiền điện tử thường rất dễ bị hội chứng này.
Sợ bản thân đi sai đường
Giao dịch là một hành trình mang tính xác suất. Dù giỏi đến đâu, bạn cũng có lúc trading sai. Thế nhưng nhiều trader lại lo sợ bản thân mình đi sai, giao dịch sai, phân tích sai. Từ đó ngại ngần không dám vào lệnh và bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt.
Bạn nên biết rằng thỉnh thoảng hệ thống giao dịch của bạn sẽ sai. Kể cả trader chuyên nghiệp cũng sẽ như thế. Nhưng điều này không cản trở thành công của bạn. Nếu cứ lo sợ mình sai mà không dám vào lệnh thì dần dần bạn sẽ đánh mất tự tin và khó có thể thành công trên thị trường.
Hiểu đúng và kiểm soát hiệu quả nỗi sợ khi giao dịch
Những nỗi sợ khi giao dịch có rất nhiều, điều quan trọng là bạn phải chế ngự được cảm xúc này và tập trung tinh thần cho giao dịch. Chỉ khi đó bạn mới có thể có được sự tự tin và vững bước trên hành trình trading của mình.
Dưới đây là những bí quyết mà các chuyên gia đầu tư khuyên bạn nên áp dụng:
Tin tưởng vào chính mình
Mục tiêu của bạn khi quyết định đầu tư là gì? Đó chắc chắn là kiếm tiền. Và khi bắt đầu, ai cũng tin tưởng bản thân sẽ làm được điều này nên bạn mới dám bỏ tiền đầu tư.
Cũng như khi bạn quyết định rót vốn vào một dự án, hoặc quyết định khởi nghiệp. Sự tự tin là điều rất cần thiết để chúng ta vượt qua mọi khó khăn trên hành trình.
Bạn phải tin tưởng vào bản thân mình, chắc chắn rằng mình sẽ trading thành công nhiều hơn so với số lệnh thất bại. Chỉ khi đó thì những nỗi sợ mơ hồ mới được chế ngự hiệu quả.
Thiết lập một kế hoạch giao dịch phù hợp
Số lượng lệnh giao dịch không phải là mấu chốt để thành công, điều quyết định chính là chất lượng của từng lệnh giao dịch. Vì vậy, nếu giao dịch quá nhiều hãy thận trọng. Trong khi đó, giao dịch ít không phải là không có điều hay của nó.
Thị trường vẫn ở đó, không chỉ ngày mai mà còn nhiều ngày sau, nhiều tuần sau, nhiều năm sau. Vì vậy điều quan trọng là bạn phải xây dựng cho mình một kế hoạch giao dịch phù hợp. Hôm nay bạn có thể bỏ qua một cơ hội ngon ăn, nhưng nếu tuân thủ kế hoạch, ngày mai bạn có thể kiếm được nhiều hơn thế.
Những nhà đầu tư giao dịch theo cảm tính, không có kế hoạch thường sẽ đi đến thất bại. Vì vậy, bạn không nên đi vào vết xe đổ này. Một kế hoạch phù hợp với nguồn vốn, phong cách giao dịch sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trên từng chặng đường trading.
Chấp nhận thua lỗ và xem đó là bài học kinh nghiệm
Bạn phải chấp nhận bạn có thể sẽ mất số tiền đó nếu giao dịch rơi vào thua lỗ. Tâm lý của bạn phải là tâm lý chấp nhận. Tuyệt đối trong mọi giao dịch bạn cần đặt cắt lỗ ở mức có thể chấp nhận được.
Chấp nhận bản thân mình sai có thể là một điều khá khó khăn với các nhà đầu tư mới. Để vượt qua được cảm giác sợ hãi khi bị mất tiền này, bạn hãy thử ngừng giao dịch vài ngày để bình tĩnh lại. Hoặc bạn cũng có thể quay lại giao dịch với tài khoản demo để lấy lại tự tin.
Và cơ bản, từ những thất bại đó, hãy chiêm nghiệm ra bài học cho mình. Vì sao bạn thua lỗ, bạn đã đi sai ở bước nào. Khi nắm được điểm yếu của mình, bạn sẽ có cách để khắc phục nó và việc thua lỗ sẽ không còn quá đáng sợ như bạn nghĩ.
Không ngừng học hỏi
Những nhà giao dịch thành công luôn khiêm tốn và không ngừng học hỏi. Họ biết bản thân họ chưa xuất sắc và họ không bỏ qua bất cứ một cơ hội học tập nào.
Khi kiến thức và kinh nghiệm đủ mạnh, bạn sẽ có thêm nhiều tự tin khi tham gia thị trường. Lúc đó, bạn sẽ không để những nỗi sợ lấn át, vì bạn có đủ khả năng để đương đầu với chúng.
Vì vậy, hành trình trading là một hành trình kiếm tiền và học tập song hành, học từ thị trường, học từ các nhà đầu tư khác và học từ thua lỗ của chính mình.
Kết luận
Tóm lại, nỗi sợ khi giao dịch là kiểu trạng thái tâm lý mà ai cũng có. Nhưng mỗi nhà đầu tư sẽ có cách riêng của mình để khống chế nỗi sợ này. Khi không còn sợ hãi, bạn mới tự tin triển khai chiến lược giao dịch, không lo lắng khi thua lỗ và không quá hiếu chiến khi trade thắng. Từ đó, bạn sẽ từ từ có được thành công như mong muốn ban đầu của mình.