MFI là gì? Đây là chỉ báo dòng tiền – Money Flow Index, được ứng dụng rộng rãi trong các phân tích kỹ thuật đầu tư forex, chứng khoán, hàng hóa, tiền điện tử…
Trong các chỉ báo phân tích kỹ thuật quan trọng, chỉ báo MFI chính là một nhân tố mà trader cần phải lưu ý. MFI là gì? Tìm hiểu ý nghĩa và cách sử dụng chỉ số này sẽ giúp bạn có thêm một công cụ hữu ích để phân tích xu hướng thị trường.
Trong bài viết này
MFI là gì?
MFI nằm trong bộ chỉ báo dao động. Tên đầy đủ của nó là Money Flow Index, có nghĩa là chỉ báo dòng tiền, giá trị từ 0 – 100. Khi MFI tăng, lực mua tăng mạnh và ngược lại.
Chỉ báo MFI cung cấp cho nhà đầu tư 3 thông tin quan trọng nhất về thị trường:
- 1, xu hướng nào đang diễn ra
- 2, các vùng quá mua và quá bán
- 3, tín hiệu phân kỳ đảo chiều
Mặc dù vậy, trong xác định xu hướng thì MFI không thực sự mạnh.
MFI được nghiên cứu và công bố bởi Gene Quong và Avrum Soudark. Nền tảng của MFI được phát triển dựa trên RSI, và có bổ sung thêm khối lượng giao dịch.
Những người sáng lập MFI cho rằng, khi thị trường tạo đỉnh hoặc tạo đáy, khối lượng giao dịch tại thời điểm đó sẽ tăng mạnh. Chính vì vậy, ngoài sử dụng sự thay đổi của giá, còn phải dựa vào khối lượng giao dịch thì mới có thể phản ánh được chính xác bức tranh toàn cảnh thị trường.
Do đó, khi tìm hiểu MFI là gì, bạn cũng cần phải hiểu qua RSI. Có thể thấy, MFI chính là sự hoàn thiện, bổ sung cho RSI thêm phần chính xác. Thông qua MFI, trader có thể thấy được sự thao túng của cá mập, hoặc là các biến động bất thường trên thị trường.

Chỉ báo MFI có ý nghĩa gì?
Dựa vào những gì mà MFI cung cấp, chúng ta có thể thấy được ý nghĩa của chỉ báo này. Thông qua MFI, nhà đầu tư có thể nhận định được các vấn đề sau:
Cho trader thấy được vùng quá mua, quá bán
Nếu MFI>80, thị trường lúc này chắc chắn đang trong giai đoạn quá mua. Tín hiệu quá mua này nếu xuất hiện trong xu hướng tăng, thì giá sẽ có khả năng đảo chiều giảm hoặc điều chỉnh giảm.
Ngược lại nếu MFI<20 thì thị trường đang trong giai đoạn quá bán. Nếu tình trạng này diễn ra trong 1 xu hướng giảm thì có khả năng sẽ điều chỉnh tăng hoặc thậm chí đảo chiều tăng.
Tín hiệu đảo chiều
Dựa vào sự phân kỳ giữa MFI và giá, có thể nhận diện được tín hiệu đảo chiều thị trường. Nếu trong một xu hướng tăng, bạn nhận thấy có sự xuất hiện tín hiệu phân kỳ giảm giữa MFI và giá thì tín hiệu này cho thấy phe mua đang suy yếu, thị trường sắp đảo chiều giảm và ngược lại.

Công thức tính MFI là gì?
Công thức tính MFI là gì? Nếu tính RSI, bạn sẽ thấy công thức khá đơn giản, vì chỉ cần giá mở cửa và đóng cửa. MFI phức tạp hơn, để tính được giá trị của nó cần trải qua nhiều quy trình.
Đầu tiên, tính giá tượng trưng TP – Typical Price: TP = (H+L+C)/3
Bước thứ 2, tính dòng tiền MF- Money Flow: MF = TP * Volume
Bước 3, tính tỷ lệ dòng tiền MR – Money Ratio: MR = MF (+,14) / MF (-,14)
Và cuối cùng, chính là tính giá trị MFI: MFI = 100 – [100 / (1+MR)]
Trong đó:
- H = giá cao nhất
- L = giá thấp nhất
- C = giá đóng cửa
- Volume = khối lượng giao dịch của mỗi phiên có trong 1 chu kỳ
- MF (+,14) = tổng dòng tiền dương của chu kỳ 14
- MF (-,14) = tổng dòng tiền âm của chu kỳ 14.
Tại các nền tảng giao dịch hiện đại như xStation, bạn không cần tính toán giá trị MFI. Hệ thống sẽ tự động tính toán và đưa ra con số cụ thể. Trader chỉ việc dựa vào giá trị MFI đã được tính để xác định các tín hiệu giao dịch.
5 cách sử dụng chỉ báo MFI vào giao dịch
Vì có yếu tố khối lượng giao dịch nên có thể thấy cách sử dụng MFI cũng linh hoạt hơn so với RSI. Tùy vào từng chiến lược và kỹ năng giao dịch, trader có thể áp dụng các cách dùng MFI từ cơ bản đến nâng cao như sau:
Dùng MFI để xác định xu hướng giá
Đây là cách dùng cơ bản nhất của MFI. Mặc dù nó không được đánh giá cao về xác định xu hướng, nhưng nếu kết hợp thêm đường 50 thì trader cũng có thể tin cậy vào tín hiệu này.
Bạn hãy thêm 1 đường 50 vào trên biểu đồ giao dịch. Sau đó hãy xác định xu hướng theo cách sau:
- Nếu MFI nằm trên đường 50: Thị trường đang trong 1 xu hướng tăng
- Nếu MFI nằm dưới đường 50: Thị trường đang trong 1 xu hướng giảm.

Dùng MFI để giao dịch với tín hiệu quá mua và quá bán
Hiểu được ý nghĩa MFI là gì thì bạn cũng có thể áp dụng nó với cách này. Tuy nhiên, từ quá mua, quá bán, tín hiệu giao dịch đảo chiều của MFI thường không quá mạnh. Do đó để an toàn hơn thì bạn nên ưu tiên giao dịch thuận xu hướng:
- Sell khi tín hiệu MFI quá mua. Lệnh sẽ được thực hiện khi mà giá đang nằm ở giai đoạn tăng điều chỉnh và sắp trở về xu hướng chính. Hãy giao dịch nếu MFI>80
- Buy khi MFI quá bán. Lệnh cũng sẽ được thực hiện khi mức giá đang nằm ở giai đoạn điều chỉnh giảm. Lúc này, giá trị MFI<20.
Sử dụng MFI phân kỳ để giao dịch đảo chiều
Để tìm kiếm các giao dịch đảo chiều, trader nên kết hợp tín hiệu phân kỳ của MFI cùng với đường giá. Thực hiện như sau:
Sell đảo chiều
Lệnh Sell đảo chiều sẽ được thực hiện trong một xu hướng tăng. Lúc này, trader nhận thấy có tín hiệu phân kỳ giữa MFI và giá. Điều này cho thấy phe mua đang có dấu hiệu suy yếu, thị trường sẽ có khả năng đảo chiều từ tăng sang giảm.
Lúc này, lệnh sell nên được thực hiện. Hãy đặt lệnh dựa theo nến đỏ xác nhận giảm giá ở khu vực có tranh chấp giá quan trọng. Khối lượng giao dịch lúc này đang tăng khá mạnh.
Lệnh Buy đảo chiều
Ngược với lệnh Sell, lệnh Buy sẽ được thực hiện trong một xu hướng giảm. Lúc này, trader nhận thấy có tín hiệu phân kỳ tăng giữa MFI và giá. Có nghĩa là xu hướng giảm đã suy yếu, thị trường chuẩn bị đảo chiều tăng.
Bạn có thể thành công nếu đặt lệnh mua đón đầu xu hướng. Điểm vào lệnh sẽ được thực hiện dựa theo cây nến xanh xác nhận tăng giá tại vùng tranh chấp giá quan trọng .

Biến động thất bại – Failure Swings
Đây cũng được xem là một chiến lược giao dịch tìm kiếm tín hiệu đảo chiều hiệu quả sau khi bạn xác nhận MFI là gì. Các lệnh mua và lệnh bán sẽ được tìm kiếm và xác nhận qua 4 bước:
- Xác nhận MFI giảm xuống dưới 20 hoặc tăng trên 80
- MFI tăng trở lại mức 20, giảm trở lại mức 80
- MFI giảm/tăng trở lại nhưng vẫn trên mức 20/80 (trên mức quá bán hoặc dưới mức quá mua)
- MFI vượt qua mức cao/thấp trước đó. Đây chính là thời điểm mà trader sẽ vào lệnh Buy hoặc Sell lý tưởng nhất.
Kết hợp MFI cùng các công cụ khác để phân tích thị trường
Và cách cuối cùng để sử dụng chỉ báo MFI chính là kết hợp nó với các công cụ kỹ thuật khác. Một số chỉ báo được xem là hữu hiệu khi giao dịch cùng MFI là EMA, mô hình giá, chỉ báo Ichimoku…
Việc sử dụng độc lập MFI có thể sẽ dẫn đến những hạn chế và sai sót nhất định. Chính vì vậy, kết hợp cùng nhiều chỉ báo khác sẽ mang lại cho nhà đầu tư sự nhìn nhận toàn diện và hiệu quả hơn về tín hiệu thị trường.
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu chỉ báo MFI là gì thông qua bài viết này tại tamlygiaodich.com. Là một chỉ báo động thiên về khối lượng giao dịch, MFI rất có ý nghĩa cho các nhà phân tích kỹ thuật. Vận dụng hiệu quả chỉ báo, bạn sẽ có được một công cụ phân tích thị trường hiệu quả, từ đó, cũng sẽ mang đến những vị thế hoàn hảo hơn.