Lạc quan độc hại khiến nhà đầu tư cho rằng, trong hoàn cảnh nào, điều quan trọng là cần phải suy nghĩ tích cực. Và điều này có thể dẫn đến những bi kịch không tưởng.
Bạn đã từng nghe nói đến kiểu tâm lý lạc quan độc hại trong đầu tư? Chúng ta đều biết rằng, lạc quan trong hầu hết mọi tình huống đều là điều tốt. Nó giúp chúng ta ổn định tinh thần và có được niềm tin để vượt qua các khó khăn.
Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng như trong hành trình đầu tư, không phải lúc nào cũng chỉ duy một màu hồng. Những cảm xúc, trải nghiệm đau đớn mới chính là điều nâng bước bạn.
Nếu bạn tích cực quá mức, bạn đang rơi vào trạng thái lạc quan độc hại. Và nó chính là kẻ hủy hoại thầm lặng khiến bạn không thể nào có đủ dũng khí đối mặt với các vấn đề mình đang gặp phải.
Trong bài viết này
Thế nào là lạc quan độc hại? Những dạng biểu hiện cụ thể
Lạc quan độc hại là thuật ngữ dùng để chỉ hành vi con người tiếp cận cuộc sống chỉ với những cảm xúc tốt. Có nghĩa là, bạn đang phải đối mặt với các khó khăn. Tuy nhiên, bên ngoài bạn lúc nào cũng tươi cười. Nó cũng giống như trạng thái tích cực giả tạo mà bạn đang cố ép mình phải nương theo.
Lạc quan đến mức độc hại là cách khái quát hóa việc con người suy nghĩ tích cực quá mức cho phép. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lạc quan trước mọi vấn đề. Nó cũng đồng thời giảm thiểu, phủ nhận toàn bộ những mặt cảm xúc không vui vẻ, thiếu tích cực bên trong con người.
Những dạng biểu hiện chính của tình trạng lạc quan độc hại:
- Gặp một chuyện không tốt, ví dụ như đầu tư thất bại. Nhiều người nói rằng hãy lạc quan lên, hãy nhìn mặt tốt của nó. Điều này có thể chặn bạn chia sẻ vấn đề đang gặp, hoặc ngăn cản bạn tìm căn nguyên vấn đề để giải quyết.
- Khi trải nghiệm thất bại đầu tư nhiều lần, người khác nói với bạn rằng mọi thứ đều có cái lý của nó. Điều này vừa ngăn chặn bạn, vừa là cách người khác né tránh tiếp cận nỗi đau từ người khác. Lâu dần, các cảm xúc này sẽ bị dồn nén lại.
- Khi bạn rơi vào chán nản cùng cực, thay vì tìm cách giải quyết, nhiều người cho rằng hãy vui lên. Có nghĩa là, vui hay buồn là do cảm xúc quyết định và bạn đang chọn mặt trái hay phải mà thôi.
Có thể là người khác, cũng có thể là chính bạn đang động viên mình. Những lạc quan sáo rỗng đó giúp bạn thoát khỏi tình trạng xấu hiện tại chỉ bằng cảm xúc. Nó khiến bạn từ chối sự đối mặt với vấn đề và tìm cách giải quyết nó.

Vì sao trạng thái lạc quan đó lại độc hại?
Khi đầu tư thất bại, cũng như khi bạn đang đối mặt với các khó khăn trong cuộc sống, lạc quan độc hại không phải là cách tốt nhất. Nó sẽ tác động xấu lên những trải nghiệm của bạn. Bạn sẽ không thể sống thật với cảm xúc của mình. Nghiêm trọng hơn, vấn đề cần giải quyết sẽ bị ngó lơ. Và tình trạng này độc hại vì nó mang đến nhiều trạng thái tiêu cực khác:
- Tạo sự xấu hổ: Khi rơi vào khó khăn bế tắc, tâm lý chung của chúng ta là mong muốn có thể chia sẻ được cảm xúc thật đó. Tuy nhiên, tác động từ lạc quan quá mức sẽ khiến chúng ta cho rằng cảm giác tiêu cực là điều đáng xấu hổ, không nên để lộ ra bên ngoài.
- Tạo cảm giác tội lỗi: Rất nhiều người khi động viên, an ủi người khác đều hướng chúng ta đến cảm giác này. Họ nói rằng, nếu bạn không tìm cách để thay đổi tâm trạng, không thể phấn chấn lên, đó là lỗi của bạn.
- Khiến chúng ta trốn tránh cảm xúc thật: Điều này rất rõ ràng. Lạc quan độc hại vận hành như một cơ chế né tránh cảm xúc tồi tệ. Người cho bạn lời khuyên lạc quan có thể né được việc nghe những chuyện tiêu cực và đối diện với cảm xúc tiêu cực. Còn bản thân chúng ta lại áp dụng sự lạc quan lên chính mình và chấp nhận sự lạc quan như cách hiển nhiên để giải quyết mọi vấn đề.
- Kìm hãm sự phát triển tư duy, cảm xúc hoàn chỉnh. Khi chúng ta tránh các cảm giác đau đớn, thất vọng, tuyệt vọng, chúng ta cũng phủ nhận khả năng đối mặt với cảm xúc của chính mình. Và câu thần chú lạc quan, tích cực sẽ kìm hãm từng thời kỳ phát triển của mỗi cá nhân.
Trong nhiều trường hợp, khuyên ai đó lạc quan lên, đó thực sự là điều tàn nhẫn. Ví như bạn đầu tư mất hết cả gia sản. Hay ốm đau bệnh tật. Hay người thân mất. Chắc chắn rằng, với các trường hợp này, lời khuyên mà chúng ta muốn nghe không phải là 2 từ Lạc quan. Điều mà chúng ta muốn là giải pháp. Nếu cứ mãi duy trì trạng thái đó, chắc chắn bạn sẽ giết dần cảm xúc của chính mình, ngăn cản chính mình trên hành trình hoàn thiện bản thân.

Dấu hiệu nào cho thấy nhà đầu tư đang rơi vào trạng thái lạc quan độc hại?
Rất khó để định hình chính xác trạng thái lạc quan độc hại. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể nhận diện được nó thông qua một vài dấu hiệu điển hình dưới đây:
- Thay vì đối mặt vấn đề, chúng ta lảng tránh chúng, định nghĩa khác đi về chúng.
- Khi có các trạng thái cảm xúc tiêu cực như giận dữ, thất vọng, buồn phiền, chúng ta có cảm giác tội lỗi về điều đó.
- Chấp nhận những lời an ủi, động viên sáo rỗng, và đồng thời che dấu cảm xúc thật của chính mình.
- Ngụy tạo cảm giác tiêu cực bằng một vẻ mặt và tinh thần tích cực.
- Bạn khó chịu trước cảm xúc của người khác, đặc biệt là các cảm xúc tiêu cực.
- Khi người khác không thể hiện được thái độ tích cực, bạn cảm thấy xấu hổ thay họ. Nhất là những người thân quen của bạn.
- Luôn cố gắng kìm nén và tìm cách thoát ly các cảm xúc đau đớn, tuyệt vọng.

5 cách tránh lạc quan độc hại
Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng khi đầu tư, trong cuộc sống, lạc quan độc hại cũng mang đến nhiều hệ lụy. Nếu bạn cảm thấy điều này đang tồn tại trong các hành vi của mình, hãy từng bước thay đổi nó bằng 5 giải pháp dưới đây:
- Thứ nhất, không trốn tránh các cảm xúc tiêu cực. Chúng có thể khiến bạn stress. Nhưng chúng cũng đồng thời là những thông tin quan trọng, có thể giúp bạn thay đổi theo chiều hướng có lợi hơn. Ví dụ, bạn biết được khoản đầu tư của mình thua lỗ liên tục. Thay vì né tránh, bạn đối diện sự thật. Và điều đó có thể giúp bạn quyết định ngừng đầu tư, chuyển qua sản phẩm khác an toàn và phù hợp hơn.
- Luôn trung thực với cảm xúc của bản thân. Bạn là một con người với đầy đủ hỉ nộ ái ố. Vì vậy, không cần đặt tiêu chuẩn cảm xúc quá cao cho bản thân. Vui hay buồn, đó chính là những sắc màu đa dạng cho cuộc sống của bạn.
- Lo lắng, thất vọng, mệt mỏi… rất nhiều cảm xúc có thể đến cùng lúc. Tuy nhiên điều này là bình thường. Cuộc sống vốn phức tạp, và các cảm xúc của bạn cũng như thế.
- Thứ 4, học cách lắng nghe, học cách hỗ trợ người khác bằng việc nhìn thẳng vào vấn đề người đó đang gặp phải. Đừng động viên sáo rỗng. Hãy đưa ra những lời khuyên và giải pháp thực sự giá trị.
- Cuối cùng, hãy chú ý đến cảm xúc của bạn khi đối mặt với 1 vấn đề nào đó. Cho phép bản thân được thấu hiểu chính mình và luôn chấp nhận những cảm xúc hiện hữu.

Kết luận
Lạc quan độc hại có thể sẽ giết chết bạn, một nhà đầu tư! Vì thế, khi có khó khăn, hãy kết nối cảm xúc của mình với người khác, tìm điểm tựa để tâm sự. Và quan trọng nhất, hãy hành động theo lý trí, theo sự nhìn nhận, phán xét của bạn. Tránh những câu nói độc hại, tránh sự tích cực quá mức. Loại bỏ dần cảm xúc tiêu cực này để có thể mạnh mẽ hơn từng ngày và dám đối diện với mọi thử thách cuộc đời.