Có rất nhiều bẫy tâm lý giao dịch và nếu không có sự cảnh giác, nhà đầu tư có thể rơi vào hố bẫy không thoát ra được, từ đó chi phối không nhỏ đến hiệu quả đầu tư.
Tâm lý giao dịch là yếu tố chi phối chủ yếu đến mức độ ổn định của thị trường. Và cũng chính tâm lý là nguyên nhân tạo nên các cuộc hoảng loạn trên thị trường. Và cũng vì tâm lý mà rất nhiều nhà đầu tư đã không có được thành công như kỳ vọng.
Do đó, muốn có được sự ổn định khi đầu tư, nhà đầu tư cần cảnh giác và tránh được 9 bẫy tâm lý giao dịch điển hình. Đây là những bẫy tâm lý được đúc kết qua nhiều thế hệ trader và được xem là các tác nhân ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến hiệu quả đầu tư.
Trong bài viết này
Bẫy tâm lý đám đông
Tâm lý đám đông còn được gọi bằng tên gọi tâm lý bầy đàn. Nói đến các bẫy tâm lý giao dịch điển hình, thì có lẽ đây chính là cái bẫy tâm lý mà nhiều người gặp nhất. Và khi đã vướng vào nó, rất khó để trader đủ bình tĩnh để suy xét đến các yếu tố thiệt hơn.
Cái bẫy này phản ánh sự bắt chước lẫn nhau giữa các nhà đầu tư khi trading cùng 1 sản phẩm. Từ đó, các hành vi cũng như quyết định đều dựa theo hành vi chung của đám đông. Ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ người, sau đó ngày càng lan rộng ra. Các nhà đầu tư bị dính bẫy sẽ chịu sự tác động cũng như điều chỉnh từ những nhà đầu tư khác. Và một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:
- Trader chưa có nhiều kinh nghiệm về sản phẩm giao dịch.
- Chưa có kế hoạch cụ thể, chiến lược cụ thể khi tham gia thị trường nên dễ bị tác động bởi đám đông
- Trader thiếu các thông tin vĩ mô chi tiết, đáng tin cậy về thị trường. Nên từ đó dễ có hành động sai lầm, sợ bỏ qua cơ hội và hành động theo xu hướng đám đông.
Tâm lý giao dịch theo đám đông rất nguy hại. Lâu dần, nó sẽ khiến nhà đầu tư lạc khỏi quỹ đạo ban đầu. Nghiêm trọng hơn, nó có thể là nguyên nhân chính khiến bạn cháy vốn và sớm bị đào thải của thị trường đầu tư.

Bẫy neo – Một trong những bẫy tâm lý giao dịch điển hình nhất
Bẫy neo có tên tiếng Anh là Anchoring Trap. Tên gọi này xuất phát từ thuật ngữ Anchoring Effect – Hiệu ứng mỏ neo. Hiệu ứng này tạo nên một kiểu nhận thức sai lệch. Mọi người sẽ có xu hướng tập trung vào thông tin mà họ được tiếp cận đầu tiên để đưa ra quyết định. Thông tin này gọi là mỏ neo. Và khi đó, nhà đầu tư không thể thoát được những ấn định ban đầu của mình về tài sản hoặc thị trường.
Ví dụ như, trong lần giao dịch đầu tiên, bạn chọn sản phẩm A. Bạn có lãi dễ dàng. Từ đó, bạn cho rằng A là sản phẩm tốt, tiềm năng sinh lợi cao. Và cho dù bạn chưa có nhiều kinh nghiệm về sản phẩm đó, nhưng tư duy mỏ neo đã tồn tại trong tâm trí bạn.
Vì vậy, sau này khi đầu tư, bạn sẽ có xu hướng so sánh lợi nhuận các kênh khác với A. Nếu thấp hơn, bạn sẽ cho rằng các sản phẩm khác chưa đủ tiềm năng. Hoặc thậm chí, bạn còn không thèm quan tâm đến các sản phẩm khác mà chỉ muốn tập trung vào A.
Mắc phải bẫy tâm lý giao dịch này, nhà đầu tư khó đưa ra được cái nhìn toàn cảnh, khách quan về thị trường cũng như các tài sản mà mình nắm giữ. Bạn sẽ tự hạn chế danh mục đầu tư của mình. Và thậm chí, kể cả có rủi ro, bạn vẫn kỳ vọng liên tục vì mức lợi nhuận của những ngày đầu.
Bẫy tâm lý giao dịch chi phí chìm
Chi phí chìm – Sunk Cost Trap – Được hiểu là những khoản chi phí bạn đã bỏ ra và không thể nào thu hồi lại được. Ví dụ như công sức, như thời gian hay tiền bạc. Các chi phí này có giá trị cả về vật chất và tinh thần và nó khiến nhà đầu tư do dự trước các quyết định mới, vì nuối tiếc khoản chi phí đã bỏ ra này.
Ví dụ như, bạn đầu tư vào sản phẩm A với thời gian rất dài. Mặc dù khách quan nhìn nhận thì bạn đang thua lỗ. Tuy nhiên, bạn đã bỏ qua quá nhiều thời gian và chi phí đầu tư cho nó. Bạn chần chừ trước quyết định bỏ ngang nó để chuyển sang một sản phẩm khác triển vọng hơn. Nói cách khác, bạn kỳ vọng sẽ có một cú lội ngược dòng ngoạn mục để lấy lại những gì đã mất.
Tuy nhiên, nếu cứ vướng mãi vào bẫy tâm lý giao dịch này, tự bạn có thể giết chết con đường đầu tư của mình. Khoản đầu tư càng cao thì càng ít người chấp nhận bỏ ngang. Nhưng về lâu dài, nó có thể là nhân tố khiến bạn không thể nào gượng dậy được.

Bẫy xác nhận, hay thiên kiến xác nhận
Confirmation Trap – Bẫy xác nhận, bắt nguồn từ thuật ngữ Confirmation Bias – Thiên kiến xác nhận. Bẫy tâm lý giao dịch này được hiểu là cách mà nhà đầu tư tìm kiếm các thông tin để củng cố niềm tin của bản thân. Khi đó, nhà đầu tư chỉ khăng khăng nắm giữ niềm tin cá nhân của mình, bỏ qua những ý kiến trái chiều với niềm tin đó.
Ví dụ như, bạn tin rằng forex là kênh đầu tư tốt nhất. Thế là bạn có xu hướng tìm kiếm các biến động xấu từ các thị trường vàng, tiền điện tử, hàng hóa. Mục đích là để bản thân an tâm hơn về quyết định của mình. Vô tình bạn đã bỏ qua rất nhiều thị trường tài chính thú vị.
Hoặc như, bạn đầu tư lướt sóng thua lỗ. Thay vì tìm hiểu nguyên nhân vì sao mình lại thất bại, bạn lại tìm đến những chia sẻ từ những người cũng đang đầu tư thất bại như mình để củng cố niềm tin. Điều này sẽ không giúp bạn giải quyết được bài toán hiện tại, nó chỉ khiến bạn trượt dài trong thua lỗ.
Bạn nên biết rằng, đầu tư tài chính không có khái niệm đúng nhất hay tốt nhất. Chỉ là phù hợp nhất. Và nếu bạn chỉ tìm cách chứng minh niềm tin của mình là đúng, bạn sẽ rời xa việc tìm kiếm điều gì phù hợp nhất với mình. Khi đó, thua lỗ là điều có thể dự báo trước được.
Bẫy mù
Bẫy tâm lý giao dịch thứ 5 mà chúng ta tìm hiểu chính là bẫy mù – Blindness Trap. Bẫy mù sẽ xuất hiện khi nhà đầu tư tỏ ra thờ ơ với các biến động của thị trường. Điều này đến từ việc nhà đầu tư thiếu kiến thức cũng như kỹ năng xử lý tình huống.
Thông thường, bẫy này sẽ đánh bật nhà đầu tư trong 2 trường hợp dưới đây:
- Thứ nhất, biết được khoản đầu tư của mình đang có sự cố. Tuy nhiên, trader lại chọn cách né tránh mọi thông tin về thị trường. Bạn không biết cách làm gì tiếp theo và cố ý “mù” trước báo động đã được dự báo.
- Thứ 2, đó chính là dù khoản đầu tư đang bình thường, nhưng trader lại canh bảng giá liên tục 24/7. Bạn không biết thị trường và tài sản của mình đang trong xu hướng nào, chỉ biết canh thị trường với tâm lý bất an mà không có bất cứ một hành động nào cụ thể. Sự mù kiến thức thị trường khiến trader không thể có bất kỳ hành động nào để bảo toàn vốn khi sự cố xảy ra. Bạn chỉ mất thời gian mà thành quả lại chẳng thể thu về.

Bẫy tương đối – Loại bẫy tâm lý giao dịch điển hình
Relavity Trap – Bẫy tương đối – cũng là một trong những bẫy tâm lý giao dịch rất phổ biến. Điều này đến từ việc trader áp dụng máy móc công thức, phương pháp của nhà đầu tư khác vào khoản đầu tư của mình.
Ví dụ như, bạn thấy nhà đầu tư A đầu tư forex thành công. Thế là bạn cũng bỏ cả đống tiền vào đó. Tuy nhiên, năng lực, nguồn vốn, phong cách đầu tư, kiến thức của bạn và người đó hoàn toàn khác nhau. Việc bạn đầu tư theo họ chỉ là cách ném tiền qua cửa sổ với rất nhiều rủi ro khó lường.
Học theo thành công của người khác, đó là một điều tích cực. Nhưng điều đó phải phù hợp với hoàn cảnh cá nhân của bạn. Chỉ khi đó, bạn mới có được chọn lựa sẽ làm gì thích hợp nhất, và đâu là con đường mà bạn nên đi.
Bẫy tâm lý giao dịch hứng thú thái quá
Tự tin và hứng thú thái quá là một trong những bẫy tâm lý giao dịch thường thấy trên thị trường đầu tư. Các nhà đầu tư dính bẫy này thường cho rằng những phán đoán và phân tích của họ trong quá khứ sẽ được áp dụng một cách hoàn hảo nhất cho tương lai.
Tức là đứng trước 1 sự kiện đã từng xảy ra, trader cho rằng thực sự lịch sử đang lặp lại. Và họ không nhìn nhận thị trường ở thời điểm hiện tại mà chỉ nhìn về quá khứ để đưa ra dự đoán tiếp theo.
Tuy nhiên, bạn nên biết rằng, các biến động về thị trường và kinh tế vĩ mô là điều rất khó dự đoán chính xác. Mỗi thời điểm, thị trường sẽ có những tính chất khác nhau. Và việc lịch sử lặp lại 100% gần như là điều rất khó xảy ra. Vì vậy, dù tình huống đó có giống với quá khứ thế nào, bạn cũng nên cân nhắc với các yếu tố thực tại.

Bẫy tâm lý giao dịch về độ chắc chắn giả
Cái bẫy này sẽ khiến nhà đầu tư rơi vào tình cảnh như thế nào? Nó xuất hiện khi trader đánh giá sai bản thân mình. Từ đó, hành động cũng sẽ đi theo nhận thức sai đó khiến bạn không thể đạt được hiệu quả trading tốt nhất. Nó xuất hiện ở một trong 2 trường hợp dưới đây:
- Thứ nhất, trong trường hợp đầu tư có lãi. Trader thận trọng đến mức chấp nhận lãi ít, giao dịch thận trọng với mục đích bảo vệ tài sản. Trong khi đó, việc mạo hiểm có thể giúp bạn có lợi nhuận lớn hơn nhiều.
- Thứ 2, trong trường hợp đầu tư buông xuôi. Thay vì ngừng giao dịch và tìm giải pháp, trader lại có tư tưởng chơi tất tay để gỡ lại nhanh chóng. Và khi đó, bạn lại rơi vào thế mạo hiểm do chính mình đưa ra.
Bẫy ưu việt
Cái bẫy tâm lý giao dịch thứ 9 mà chúng tôi đề cập đến là bẫy ưu việt – Superiority Trap. Bẫy này xuất hiện khi trader quá tự tin vào bản thân, dẫn đến bỏ qua mọi ý kiến từ người khác.
Họ cho rằng, họ có đủ kinh nghiệm để có thể ứng phó được mọi biến động thị trường. Và chắc chắn, khi quá tự tin vào bản thân, bạn rất dễ bị quật ngã.

Kết luận
Chúng ta đã tìm hiểu về 9 loại bẫy tâm lý giao dịch điển hình nhất trên thị trường tài chính. Có thể khẳng định, kể cả những nhà đầu tư hàng chục năm kinh nghiệm cũng không tự tin khẳng định mình am hiểu 100% thị trường.
Vì vậy, từng quá trình đầu tư là từng giai đoạn học hỏi và tích lũy kiến thức. Bạn nên từng ngày trau dồi kỹ năng giao dịch để tránh bẫy tâm lý. Chỉ như vậy, bạn mới có thể theo đuổi được các kế hoạch của mình.